Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Lâm Vũ: 'Nghèo không phải cái tội'
09:21

Lâm Vũ: 'Nghèo không phải cái tội'

Lâm Vũ: 'Nghèo không phải cái tội'

Lâm Vũ: 'Nghèo không phải cái tội'

Gia đình tôi đến 9 miệng ăn. Tất cả đổ dồn vào đôi tay chai sạn của ba và sự khắc khổ của mẹ. Mẹ tôi đẹp lắm, nhưng công việc lao động mưu sinh đã làm cho mẹ mệt mỏi và khô héo. Ba thì cứ im lặng và mặc cảm, với ý nghĩ mình là trụ cột gia đình mà không đủ sức lo toan bao bọc cho vợ con.

df

Ca sĩ Lâm Vũ.

Tôi không có thói quen viết nhật ký mặc dù rất thích. Tôi không đủ can đảm để chấp bút về mình, vì mỗi lần như vậy, tôi ngỡ mình đang lạc vào một giấc chiêm bao. Trong cơn mộng mị đó, tôi thấy cả những giọt nước mắt và cả nụ cười thân thiện của gia đình tôi nghèo khó một thời. Nhiều lúc tôi tự hỏi, nghèo có phải là cái tội? Câu hỏi đó ám ảnh và đi theo cuộc đời tôi như một sự thách thức, đối kháng.

Ở thôn quê hẻo lánh và im ắng ấy, thời gian luôn trôi qua trong nỗi buồn phiền và chán ngắt. Bữa cơm thiếu trước hụt sau, ăn cái gì cũng được, miễn là sống qua ngày. Tôi lớn lên trong sự hoang mang và sợ sệt. Tôi rúc đầu vào như vỏ ốc đầy mặc cảm và tự ti; tôi trầm lặng như một thằng điên không ai hiểu nổi. Tuổi ấu thơ không chút êm đềm làm tôi luôn cảm giác là mình mình là kẻ nhà quê xấu xí, đi không dám ngước nhìn ai, lầm lũi và cô độc.

Ba mẹ vay tiền người ta cho các anh chị học lấy cái nghề. Mẹ bảo, không thể con cháu trong nhà cứ mãi cái vòng luẩn quẩn này được, và lập tức biện pháp khả thi được đặt ra: bắt buộc người này lùi cho kẻ khác tiến. Tôi phụ mẹ bươn chải kiếm miếng ăn. Đã thành thông lệ, tối đến tôi phải đi ngủ từ 8 giờ, để có sức mai bắt đầu công việc bán hàng với mẹ vào lúc 1 giờ sáng. Cả gia đình trông mong gánh hàng, làm quần quật cả ngày mà tiền lời chỉ có mười mấy nghìn. Khó khăn ngày càng thêm chồng chất.

Ba buồn, sinh bệnh rồi đột ngột qua đời vì chứng tai biến mạch máu não. Ba mất trên tay tôi mà chẳng kịp trăn trối điều gì. Tôi mãi không sao tin vào sự thật đó, cứ ngỡ chứng bệnh thông thường ấy không thể cướp đi sinh mạng của ba. Tôi chạy bộ mấy cây số để kêu thày thuốc, chạy băng băng ngoài đường, qua khu gò mả và những đoạn núi đèo tối tăm mà không biết mệt, không sợ hãi. Tôi vốn nhút nhát và hay sợ ma, nhưng ngay lúc ấy, như có sức mạnh vô hình nào đó giúp tôi có đủ mạnh mẽ để chạy. Vừa chạy, tôi vừa cầu mong điều kỳ diệu xảy ra, ba tôi không chết. Nhưng sự thật là tôi đã mất đi điểm tựa cho mình. Sự việc quá bất ngờ khiến cả gia đình rơi vào khủng hoảng.

Hàng xóm láng giềng và người quen xúm tay vào giúp ba tôi đến nơi yên nghỉ được nhanh gọn. Mẹ và các chị đau khổ, khóc vật vã. Mấy anh đi làm xa không về kịp để thọ tang cha. Tôi buồn và lo sợ, nỗi đau cùng sự u ám như hàng ngàn mũi kim chích vào trái tim nhỏ bé, yếu đuối của những người ở lại. Nỗi muộn phiền và cả sự nghèo khổ ngày càng thêm bóp nát trái tim tôi.

Trước tình cảnh ấy, tôi quyết định lên TP HCM. Tôi không dám nói với mẹ, vì biết có chết mẹ cũng không cho tôi rời xa bà. Tôi quyết tâm ra đi, dù chưa định hướng mình sẽ phải làm gì, nhưng ít nhất điều đó cũng khiến tôi giải tỏa được tâm lý u uất, và mong kiếm thêm phụ giúp gia đình. Hành trang là hai trăm ngàn đồng ky cóp và mấy bộ đồ "cháo lòng", tôi chưa ý thức được cuộc mưu sinh vất vả nơi đất khách đang đến.

Từ bến xe, tôi và một người bạn - hai đứa quê mùa thấy xa lạ và bỡ ngỡ bởi nhịp sống ồn ào của thành phố. Đi bộ mấy tiếng đồng hồ, nhưng không biết đường, cứ vòng vòng khu vực chợ Thanh Đa, mệt và đói, hai đứa dằn bụng cho đỡ tốn tiền, và ngủ bụi trong chợ.

Mọi việc đều mới mẻ, mọi người đều sang trọng, tôi nhìn lại mình và cảm thấy hổ thẹn, thất nghiệp và mệt mỏi, buồn và bơ vơ. Cuối cùng, hai đứa tôi cũng gặp được thằng bạn quen, về nhà nó thuê để ngủ. Một căn nhà trọ chật chội mấy mét vuông chen nhau. Mỗi đứa đi tìm công việc kiếm bữa ăn. Thằng bạn tôi đi làm thợ hồ, tôi đi phụ người ta bán cơm. Làm mọi thứ, mọi việc để có được một đĩa cơm ăn qua ngày.

Thời gian trôi qua, tôi vẫn chạy bở hơi tai với một khối công việc lao động chân tay, nhưng có một sở thích chợt bùng lên: hát. Tôi làm bao nhiêu tiền đều ''cúng'' vào các chỗ hát karaoke - hát với nhau. Mua một ly nước 6.000 đồng để được chờ đợi đến lượt mình hát. Và, đó cũng là thú giải trí duy nhất khiến tôi quên đi bao nỗi nhọc nhằn đời thường. Tôi mê hát, mê được đứng trên sân khấu. Đó chỉ là giấc mơ xa xỉ của một thằng hạng xoàng như tôi.

Tôi đã chạm ngõ được với nghề ca hát, được làm những việc mà tôi cứ tưởng như một giấc mơ xa xôi nào đó. Tôi nhận được sự giúp đỡ của một bầu sô, rồi chia tay trong vài chương trình và một vài điểm diễn nhỏ. Tôi cũng không biết bắt đầu từ hướng nào, hát hò chưa có nhiều kinh nghiệm, không quen biết. Rồi tôi lại gặp một sự hợp tác mới như gặp ánh sáng ở cuối đường hầm. Tôi cứ vội vàng ngỡ mình lên đời và sống với một ảo ảnh không thực.

Như một con ngựa hoang không có người thần phục, tôi quen với lối sống bụi đời và luôn tự phát, tôi không chịu được sự gò bó và nề nếp, cho dù đó là thứ nề nếp tốt cho mình. Tôi thật thà cả tin và sống theo bản năng, muốn nói gì thì nói, nói mà không cần suy nghĩ đến tấm lòng của người khác, vì tôi cho đó là thật. Tôi làm tổn thương đến sự bao bọc và giúp đỡ của người ấy.

Và tôi lại ra đi tìm cho mình một hướng khác. Tôi bị hoang mang và không hiểu nổi cái khắc nghiệt của con đường ca hát mà bản thân đang cố gắng chen chân. Tôi tưởng mình hiểu tất cả, hóa ra tôi lại nông nổi mà chẳng thể nào hiểu nổi sự bon chen phức tạp đó. Tôi cứ đứng chênh vênh trên con đường mà tôi đã chọn...

Tôi đã có chút tên tuổi, đã quay về với mẹ để xin lỗi vì hành động của mình ngày xưa. Tôi muốn bù đắp tất cả những nỗi khó khăn và mất mát cho mẹ, cho thằng em suy dinh dưỡng ở nhà. Tôi muốn gia đình làm lại cái nghề ngày xưa mà ba tôi đã từng thất bại - giao thông vận tải - để ở nơi yên nghỉ, ba tôi an tâm và mỉm cười. Bây giờ, có thể tôi đã tự trả lời cho mình câu hỏi: Nghèo có phải là cái tội?

Nghèo không thể là cái tội, tôi chỉ thực sự có tội nếu trên những ngả đường mưu sinh, tôi đã không dũng cảm tìm cho mình một con đường chân chính. Cũng may, một kẻ nhà quê như tôi, một chú ngựa hoang đã được thuần phục bằng chính nước mắt, nụ cười, nỗi nhọc nhằn và cả nghị lực lớn lao của gia đình, ban bè người thân và quan trọng hơn ai hết: Đó là chính bản thân mình.

(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)


dịch vụ định cư du học mỹ

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét