Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

‘Oldboy’, bộ phim gây sốc trong lịch sử điện ảnh Hàn
09:44

‘Oldboy’, bộ phim gây sốc trong lịch sử điện ảnh Hàn

'Oldboy', bộ phim gây sốc trong lịch sử điện ảnh Hàn

'Oldboy', bộ phim gây sốc trong lịch sử điện ảnh Hàn

Tác phẩm của đạo diễn Park Chan-wook ám ảnh người xem bởi những cảnh quay bạo lực và sốc đến rợn người về thế giới nội tâm qua sự trả thù.

Năm 2004, khi được chọn làm chủ khảo tại LHP Cannes danh giá, đạo diễn Quentin Tarantino thuyết phục bằng được những giám khảo khác chọn một bộ phim Hàn Quốc cho giải nhất. Làm thế nào mà một tác phẩm châu Á lại có thể khiến nhà làm phim lừng lẫy từng đoạt Oscar bị chinh phục? Oldboy không những sở hữu các đặc trưng của phim Tarantino như bạo lực, sốc đến rợn người mà còn lột tả trần trụi thế giới nội tâm phức tạp của con người qua sự trả thù.

Trailer phim "Oldboy"

Oldboy bắt đầu vào một đêm mưa gió năm 1988, nơi người doanh nhân Oh Dae-Su (Choi Min-sik) trở về nhà dự sinh nhật con gái trong cơn say khướt. Không còn tỉnh táo, ông gây gổ với người khác và bị cảnh sát đưa về đồn. Khi một người bạn tới bảo lãnh, Oh Dae-su ngồi đợi ở ngoài và biến mất ngay sau đó.

oldboy-9463-1379608317.jpg

Khi tỉnh rượu, Oh phát hiện mình đang ở trong một căn phòng khách sạn rẻ tiền và mọi lối ra đều bị khóa chặt như nhà tù. Những thứ có trong phòng là một chiếc giường, một chiếc bàn, một nhà tắm và chiếc TV để bầu bạn. Ban đầu, Oh tưởng đây chỉ là một trò chơi khăm của bạn bè nhưng dần dần, ông chợt nhận ra mình đang bị cầm tù thực sự mà không hề có lấy một lời giải thích. Hằng ngày, thức ăn luôn được đưa qua khe cửa và mặc cho Oh ra sức hành hạ bản thân hay gào thét đòi được thả, căn phòng vẫn im phăng phắc.

Dần dần, Oh làm quen với cuộc sống trong nhà tù thu nhỏ ấy. Qua truyền hình, ông được hay tin rằng vợ mình đã bị giết hại và ADN của chính Oh được phát hiện tại hiện trường. Không chỉ bị coi như thủ phạm của vụ án mạng này, Oh còn đau đớn hơn khi được nghe tin con gái mình được nhận làm con nuôi ở Thụy Điển. Không còn chốn thân thích, chẳng còn gì để mất, Oh tự mình rèn thể lực hàng ngày trong phòng kín với hy vọng một ngày nào đó có thể thoát ra khỏi đây, tìm kẻ đã bắt cóc mình và biến cuộc sống của hắn trở thành địa ngục.

Thế rồi, cái ngày đấy cũng đến một cách bất ngờ như cách Oh biến mất trong cơn mưa năm nào. Vào năm 2003, Oh tỉnh dậy trên một tầng thượng và lần đầu được hít bầu không khí của sự tự do sau 15 năm. Ông bỗng nhận được một cuộc điện thoại, từ một gã đàn ông tự nhận là người đã chủ mưu giam cầm Oh và thách thức ông trả thù. Nơi đầu tiên Oh tìm đến sau khi được tự do là một nhà hàng sushi do cô đầu bếp trẻ Mi-do (Kang Hye-jung) phục vụ. Hai người nhanh chóng thiết lập được một mối liên hệ tình cảm và cùng nhau đi tìm chân tướng người bắt cóc bí ẩn kia...

Được dựa trên cuốn manga cùng tên của Nhật Bản, Oldboy nằm trong bộ ba phim báo thù (The Vegeance Trilogy) nổi tiếng của đạo diễn Park Chan-wook. Ngay từ khi ra mắt, bộ phim gây chú ý lớn tại không chỉ Hàn Quốc mà còn cả các nước phương Tây và cho tới nay được cộng đồng phim quốc tế xem như một trong những bộ phim châu Á hay nhất mọi thời. Kết quả trên được thu thập từ những trang web phê bình phim như IMDB, Rotten Tomatoes hay cả những tờ báo uy tín như Time hay đài CNN.

Ngay từ những phút đầu tiên, khán giả đã bị lạc vào mê cung của những câu hỏi: "Tại sao Oh Dae-su lại bị bắt cóc?", "Kẻ bắt cóc là ai?", "Oh Dae-su đã làm những gì để nhận lấy sự trừng phạt ghê gớm ấy?"... Nhưng mặc cho Oh có van nài đến đâu hay người xem có tò mò đến nhường nào, đạo diễn Park vẫn là người cuối cùng nắm bản đồ thoát khỏi mê lộ ấy và chỉ để lại từng manh mối nhỏ trên đường đi để khán giả nắm lấy.

oldboy-1-6702-1379608317.jpg

Không phải ngẫu nhiên mà Tarantino đặc biệt ưa thích Oldboy đến vậy bởi bộ phim chứa đựng những cảnh bạo lực khiến khán giả phải rùng mình còn hơn cả khi phải xem phim kinh dị. Oldboy có nét nào đó giống với những tác phẩm của đạo diễn Nhật Takashi Miike – người nổi tiếng với những bộ phim bạo lực đẫm máu, gây sốc như Ichi the Killer hay Audition. Trong Oldboy có những cảnh đủ rùng rợn đến mức những người gan dạ nhất cũng phải lấy tay che miệng vì kinh hãi như khi Oh Dae-su dùng búa nhổ răng để tra khảo một người hay cảnh nhân vật dùng kéo cắt lưỡi...

Các cảnh hành động trong phim không nhiều song đều được xây dựng một cách sáng tạo, chân thực và đẩy cảm xúc của khán giả lên ở mức cao nhất. Tiêu biểu cho sự đột phá ấy là cảnh trận chiến trong hành lang giữa Oh Dae-su với hơn chục tên du thủ du thực. Trong cơn khát máu và nỗi căm hờn dồn nén suốt 15 năm, Oh lao vào tả xung hữu đột với chúng chỉ với một chiếc búa trên tay và không lùi bước dù có bị dao găm vào lưng. Dù độ dài chỉ gần bốn phút nhưng trận chiến đó được xem như một trong những cảnh hành động kinh điển của lịch sử châu Á, do đa phần được quay theo chiều ngang và chỉ quay liền một mạch không hề cắt cảnh hay sử dụng công nghệ chèn vào.

Giống như các pha hành động, tình dục trong phim cũng được tiết chế về mặt tần suất nhưng lại nắm vai trò cốt lõi trong cả câu chuyện. Đó là một mảnh ghép quan trọng, không được Park Chan-wook thả một cách vương vãi để rồi cho tới cửa mê cung, người xem sẽ có thể ghép nó và hoàn thiện bức tranh ghép Oldboy. Bức họa toàn cảnh ấy sẽ khiến không ít người phải sốc và ám ảnh bởi nó u tối như chính những góc khuất sâu thẳm nhất trong tim con người khi nung nấu ý định trả thù.

Nhà phê bình phim quá cố Roger Elbert từng cho Oldboy điểm tối đa khi mới ra mắt và nhận xét đây là một bộ phim "đầy quyền lực, không chỉ ở nội dung mà còn ở độ sâu lòng dạ con người mà nó phơi bày một cách trần trụi". Oldboy là một bộ phim không dành cho tất cả mọi người, không chỉ bởi những cảnh hành động máu me hay cảnh sex táo bạo khiến tác phẩm bị dán nhãn R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi) mà còn bởi cái kết của nó thách thức mọi luân thường đạo lý trong văn hóa Á Đông. Không chỉ đập tan những giá trị truyền thống của người châu Á mà phương Tây cũng phải sốc trước những gì mà Oldboy chuyển tải.

Sốc, nhưng vẫn có thể hiểu được tại sao khi bộ phim đã dẫn dắt khán giả qua cả một hành trình đầy đủ với những uẩn ức trong quá khứ. "Cười, cả thế giới này sẽ cười với bạn. Khóc, bạn sẽ khóc một mình", Oldboy ám ảnh những ai đã xem không chỉ bởi các tình tiết mà còn bởi những câu thoại hay phần nhạc nền như những điệu waltz dặt dìu.

Vào tháng 10 năm nay, Hollywood sẽ có một phiên bản remake (làm lại) Oldboy do đạo diễn Spike Lee đảm nhiệm nhưng ngay từ trailer đã có nhiều fan ruột của phiên bản gốc phản đối. Dù cho "Oh Dae-su phiên bản Mỹ" có do diễn viên Josh Brolin từng được đề cử Oscar đi chăng nữa, khán giả vẫn không tin hay hy vọng tác phẩm có thể sánh ngang bộ phim 10 năm trước. Điều đầu tiên cần nhắc tới là phiên bản Mỹ đã cắt đi chi tiết gây sốc nhất của Oldboy và thứ hai là những gì diễn viên Choi Min-sik từng làm được quá xuất sắc.

oldboy02-4117-1379608317.jpg

Oh Dae-su không phải là một nhân vật dễ để thể hiện trên màn ảnh. Ông là một nhân vật mà khán giả có thể ủng hộ trong hành trình trả thù, có thể hiểu được cảm xúc của ông nhưng chung quy lại Oh vẫn là kẻ có quá khứ đen tối và chính điều đó đẩy ông vào bi kịch. Số phận của Oh đầy éo le như nhiều nhân vật trong Thần thoại Hy Lạp hay Vua Lear trong King Lear của Shakespeare. Trong tác phẩm của đại văn hào người Anh, vua Lear là kẻ tự gây ra bi kịch cho cuộc đời mình và cuối cùng chịu nỗi ám ảnh, dằn vặt khôn nguôi.

Oh Dae-su cũng vậy, một kẻ bị bắt nhốt không lời giải thích và đi trả thù để rồi nhận ra nghiệp chướng bắt đầu từ chính mình trong quá khứ. Diễn xuất của Choi Min-sik là hoàn hảo, từ các cảnh hành động cho tới tâm lý. Trong phim, một trong những cảnh gây tranh cãi nhất là khi Oh ăn một con bạch tuộc sống với xúc tu còn ngoe nguẩy, bám chặt trên mặt. Ở ngoài đời, Choi là một người theo đạo Phật và ông phải cầu kinh trước khi thực hiện cảnh quay trên. Thực khó có thể tưởng tượng một ngôi sao Hollywood có thể đóng và hy sinh nhiều cho vai diễn như Choi.

Bất chấp những nỗ lực thuyết phục của Tarantino, Oldboy cũng chỉ về nhì tại Cannes 2004 với giải Grand Prix từ ban giám khảo, có lẽ một phần bởi nội dung và cách chuyển tải quá sốc. Là một bộ phim không phải ai cũng có thể xem và thích nhưng không thể phủ nhận Oldboy là một bước đột phá của điện ảnh châu Á.

Thịnh Joey

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét