Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

TS Trần Đình Thiên: Bức tranh kinh tế chưa thực sự tươi hồng
08:44

TS Trần Đình Thiên: Bức tranh kinh tế chưa thực sự tươi hồng

TS Trần Đình Thiên: Bức tranh kinh tế chưa thực sự tươi hồng

TS Trần Đình Thiên: Bức tranh kinh tế chưa thực sự tươi hồng Chuyên gia này cho rằng thành tích GDP quý sau cao hơn quý trước chỉ nhằm gây ấn tượng mạnh trong những bản tổng kết cuối năm, còn thực tế kinh tế vẫn chưa hoàn toàn sáng sủa.
  • Kinh tế Việt Nam khó đạt mục tiêu 2014

Đóng góp tham luận trong kỷ yếu diễn đàn kinh tế mùa Xuân khai mạc sáng nay, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định kinh tế năm 2013 đã có nhiều dấu hiệu tích cực, GDP tăng 5,42% - cao hơn năm trước, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhất trong nhiều năm, cán cân thương mại thặng dư…, tuy nhiên, triển vọng phục hồi vẫn còn khá mong manh.

Theo ông, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2013 thấp so với kế hoạch được Chính phủ và Quốc hội thông qua, chứng tỏ quá trình phục hồi diễn ra nhưng rất chậm, khó khăn và chưa chắc chắn. Đặc biệt, liên quan đến việc GDP quý sau cao hơn quý trước, tiến sĩ Trần Đình Thiên bình luận "thành tích này luôn được nhấn mạnh trong các bản tổng kết cuối năm để gây ấn tượng về sự chuyển biến tiến tích cực, tạo niềm tin cho khả năng thoát đáy và phục hồi tăng trưởng". Song từ một góc nhìn khác, bức tranh kinh tế lại "không tươi hồng như vậy".

tran-dinh-thien-2289-1398610047.jpg

Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận định nền kinh tế vẫn tiếp tục "trồi sụt" tăng trưởng và bất ổn.

"Điều dễ nhận thấy là cứ sau mỗi đợt tổng kết thành tích cuối năm với đỉnh cao tăng trưởng đạt được ở quý IV, thì sang quý I năm sau, đồ thị tăng trưởng lại rơi xuống điểm đáy khác, khởi đầu cho một năm mới nền kinh tế lại hì hục bò lên, để liên tục tăng trong 3 quý tiếp theo, như là sự chuẩn bị cho một cú rơi mới vào đầu năm sau", vị này bày tỏ trong bản tham luận.

Do đó, dù trong ba năm tốc độ tăng trưởng GDP đều liên tục cải thiện theo từng quý, nhưng mức tăng trưởng bình quân đã xuống thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, cho thấy sự vươn lên trong mỗi năm qua chỉ là kết quả của những nỗ lực ngắn hạn, không đủ để xoay chuyển tình hình. Nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bị trồi sụt tăng trưởng và bất ổn.  "Ẩn phía sau sự nhịp nhàng chu kỳ này là tổ hợp của nhiều nguyên nhân, mà nổi bật nhất chính là cách nền kinh tế thị trường được dẫn dắt bởi một loại động cơ độc đáo đến mức độc nhất vô nhị: chủ nghĩa thành tích", ông Thiên thẳng thắn.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng đồng tình kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong vùng tăng trưởng thấp mặc dù đà sụt giảm đã được chặn lại. "Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài trong những năm tới, nguy cơ tụt hậu của Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực sẽ rất lớn. Khả năng bứt phá của nền kinh tế Việt Nam sẽ còn khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới đã chuyển sang một quỹ đạo tăng trưởng mới", ông cảnh báo.

Theo vị này, tình trạng hụt hơi của Việt Nam so với các nước trong khu vực hiện nay một phần do suy giảm các động lực tăng trưởng. Kinh tế Việt Nam phát triển chủ yếu theo chiều rộng hơn là chiều sâu, dựa vào nguồn vốn, lao động kỹ năng thấp và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Ông cảnh báo, nếu tiếp tục duy trì phương thức phát triển như hiện nay, Việt Nam sẽ có nguy cơ rất lớn bị vướng vào những nấc thang thấp của chuỗi giá trị toàn cầu.

"Vượt qua bẫy giá trị gia tăng thấp cũng là một trong những mục tiêu đặt ra cho nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam", vị này khuyến nghị.

Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng tái cơ cấu vẫn chưa được triển khai trên thực tế đúng tầm và chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách về thời gian. "Câu hỏi tại sao vấn đề quan trọng sống còn, cấp bách như vậy, được thảo luận khoa học rất nhiều, được dành quyết tâm cao ít thấy mà mãi không triển khai được? Cho đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thuyết phục", ông ngậm ngùi.

Thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ trên, vị chuyên gia này cho biết trục chính của công cuộc tái cơ cấu vẫn chưa được định vị. Phạm vi tái cơ cấu, dù đã được khuôn lại trong ba lĩnh vực (đầu tư công, tài chính ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước), song vẫn là quá lớn, đặc biệt là khi đặt trong bối cảnh năng lực tái cơ cấu của nền kinh tế yếu. Ngân sách, doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại đều đã bị suy yếu nghiêm trọng sau nhiều năm vật lộn với lạm phát và bất ổn.

Thêm vào đó, tái cơ cấu sẽ đụng chạm mạnh đến các nhóm lợi ích, song sự "va đụng" này cũng chưa được nghiên cứu sâu để có các chính sách ứng xử, đối phó để vượt qua một cách thích hợp.

"Nếu chưa có tái cơ cấu thì không thể xoay chuyển tình hình, tốc độ tăng trưởng có được cải thiện bằng việc ưu tiên đổ vào đó các nguồn lực thì về bản chất, do vẫn diễn ra theo mô hình tăng trưởng cũ, trong khuôn khổ các trục trặc cơ cấu chưa được khắc phục, sẽ đòi hỏi nhiều chi phí hơn và còn làm tích đọng thêm các mất cân đối cơ cấu lớn cho nền kinh tế", tiến sĩ Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Đánh giá về tình hình 2014, nhóm chuyên gia của trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng mục tiêu 5,8% tăng trưởng năm nay là một thách thức đối với nhà hoạch định chính sách. Cụ thể, để có thể đạt mục tiêu, nhóm tính toán chi tiêu của Chính phủ năm nay phải tăng khoảng 117.959 -125.851 tỷ đồng, khiến chi tiêu của Chính phủ vượt dự toán 10,6% -11,4%, đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cần bơm thêm khoảng 743.210 - 792.816 tỷ đồng.

Do đó, các chuyên gia cho rằng khả năng cao là tăng trưởng năm 2014 chỉ 5,7% và tỷ lệ lạm phát là 6,9%. Kết quả này cũng tương đồng với dự báo của Ủy ban Kinh tế mới đây khi cho rằng tăng trưởng năm 2014 khó đạt mục tiêu đề ra.

Để có động lực tăng trưởng, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ cần có sự cải cách thể chế đồng bộ ở các cấp độ, bao gồm việc thay đổi các chiến lược, chính sách có tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và phân bổ các nguồn lực. "Giai đoạn phát triển vừa qua của thế giới cho thấy, những quốc gia nào chấp nhận cải cách mạnh mẽ, sâu rộng trong và sau thời kỳ khủng hoảng sẽ tạo lập được nền tảng phát triển vững chắc sớm hơn và phục hồi nhanh hơn", vị này nhấn mạnh

Diễn đàn kinh tế mùa Xuân năm 2014 được Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức vào đầu tuần tới (ngày 28, 29/4) tại TP Hạ Long, Quảng Ninh.

Tại diễn đàn, các chuyên gia sẽ đánh giá lại tình hình kinh tế, chính sách vĩ mô của năm 2013 và đưa ra những khuyến nghị cho năm 2014. Ngoài ra, chủ đề trọng tâm của năm nay là cải cách thể chế kinh tế, một vấn đề mang tính trung và dài hạn để giúp nền kinh tế có động lực tăng trưởng nhanh và bền vững.

Phương Linh

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét